Da mặt bị khô ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ của da, khiến nhiều người cảm thấy tự ti về ngoại hình. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, da khô có thể dẫn đến một số bệnh về da làm ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Vì vậy, các giải pháp cải thiện làn da khô đang được rất nhiều người quan tâm. Hãy cùng myBuddy theo dõi bài viết sau để hiểu rõ hơn về tình trạng da này nhằm có cách khắc phục phù hợp.
Thế nào là tình trạng da mặt bị khô?
Da mặt bị khô là tình trạng lớp biểu bì của da bị mất nước, dẫn đến da bị bong tróc tạo thành các lớp vảy màu trắng. Khi sờ vào da, bạn sẽ có cảm giác khô ráp, khó chịu. Nếu tình trạng thiếu độ ẩm kéo dài thì da sẽ trở nên xỉn màu, nhạy cảm, dễ phát ban, thậm chí là có nguy cơ hình thành các bệnh về da liễu.
Dấu hiệu da mặt bị khô
Nhìn chung, vùng da bị khô thường sậm màu, thiếu sức sống và nhạy cảm hơn so với các vùng da khác, đồng thời có thể hình thành các nếp nhăn, từ đó dẫn đến tình trạng da bị lão hóa do thiếu độ ẩm và tính đàn hồi.
Tùy vào từng mức độ khô khác nhau, tình trạng da mặt sẽ có các dấu hiệu nhận biết cụ thể như:
- Da khô ở mức nhẹ: Khu vực da mặt bị khô sẽ trở nên căng hơn, sờ vào thấy khô ráp và có cảm giác ngứa như bị châm chích. Những biểu hiện này thường xuất hiện rõ rệt sau khi tắm hoặc rửa mặt bằng xà phòng hoặc sữa rửa mặt có chất tẩy mạnh.
- Da khô ở mức trung bình: Bên cạnh các dấu hiệu cơ bản như căng da, khô ráp, châm chích thì da khô ở giai đoạn này sẽ có thêm các vết rạn trên bề mặt. Hiện tượng bong tróc da xảy ra làm cho làn da của bạn trở nên thiếu thẩm mỹ.
- Da khô ở mức độ nặng: Da mặt lúc này sẽ nhạy cảm hơn với nhiều mảng bong tróc, nứt nẻ. Khi gặp phải tình trạng này, bạn sẽ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, đau rát, thậm chí là chảy máu da, viêm da.
Nguyên nhân khiến da mặt bị khô
Hiện tượng da mặt bị khô có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các yếu tố bên ngoài từ môi trường và yếu tố bên trong của mỗi người.
Các tác nhân bên ngoài
Nguyên nhân khiến cho làn da trở nên khô ráp có thể là do các tác nhân bên ngoài. Điều này làm suy giảm các lipid trên bề mặt da. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, hàng rào lipid sẽ bị phá hủy khiến cho các phân tử nước thoát ra khỏi biểu bì, dẫn đến da bị mất độ ẩm, gây khô da.
Các tác nhân chính làm xuất hiện tình trạng da mặt bị khô bao gồm:
- Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Cụ thể, vào mùa đông, độ ẩm trong không khí thường rất thấp hay những nơi có khí hậu nóng cũng làm giảm độ ẩm khiến da bị mất nước.
- Môi trường làm việc có nhiệt độ cao như các lò rèn, nhà bếp, nhà máy luyện kim, nơi sản xuất vật liệu nổ,…
- Tia cực tím có trong ánh nắng mặt trời.
- Sử dụng nước nóng để tắm, gội trong thời gian dài và liên tục.
- Sử dụng các sản phẩm chăm sóc, dưỡng da có tính kiềm cao và không phù hợp với làn da, đặc biệt là những người có da khô.
- Thường xuyên tiếp xúc với các chất tẩy rửa mạnh nhưng không chú trọng bảo vệ da bằng cách sử dụng đồ bảo hộ.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh lý như đái tháo đường, tuyến giáp,… có thể làm mất cân bằng độ ẩm của da.
Các nhân tố bên trong
Bên cạnh các yếu tố từ môi trường thì các nhân tố bên trong cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng da mặt bị khô. Dưới đây là một số yếu tố chính tác động đến làn da của bạn:
- Di truyền: Tình trạng da của bạn có thể được di truyền từ bố mẹ, nhất là các đặc điểm về độ ẩm, sắc tố da và lượng lipid trong da. Vì sự khác nhau của các đặc điểm này nên mỗi người sẽ sở hữu da khô hay da dầu. Đặc biệt, những người có làn da trắng thường dễ gặp hiện tượng da mặt bị khô hơn người có da sậm màu.
- Rối loạn nội tiết tố: Trong giai đoạn dậy thì, nội tiết tố bên trong cơ thể sẽ bị thay đổi, từ đó làm ảnh hưởng đến sự cân bằng độ ẩm của da. Bên cạnh đó, phụ nữ đang mang thai hoặc đang trong thời kỳ mãn kinh cũng có sự thay đổi nội tiết tố rõ rệt. Lúc này, lượng estrogen sẽ bị suy giảm làm cho da bị khô và sạm đi.
- Tuổi tác: Người ở độ tuổi càng cao thì lượng mồ hôi và bã nhờn tiết ra càng ít. Điều này sẽ làm độ ẩm của da suy giảm và khiến da mặt bị khô, dần dần sẽ xuất hiện hiện tượng lão hóa da.
- Chế độ dinh dưỡng: Nếu bạn không dung nạp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày thì da sẽ rất dễ bị khô. Bên cạnh đó, thực đơn hàng ngày không đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng, chất xơ và vitamin cũng là một trong những nguyên nhân gây khô da.
Da mặt khô thì làm thế nào để nhanh hết?
Da mặt bị khô không phải là tình trạng da quá nghiêm trọng hay ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho làn da của bạn thiếu thẩm mỹ, gây khó chịu và bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, bạn có thể tham khảo một số biện pháp khắc phục da mặt khô dưới đây để cải thiện cho làn da của mình.
Không tắm nước nóng
Việc tắm, gội bằng nước nóng lâu sẽ làm thay đổi sự cân bằng độ ẩm trong cơ thể. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng nước tắm có nhiệt độ vừa phải để da không bị khô.
Rửa mặt nhẹ nhàng
Để chăm sóc tốt cho da mặt bị khô, việc lựa chọn sữa rửa mặt hoặc bột rửa mặt phù hợp là rất quan trọng. Đặc biệt, trong thành phần của các sản phẩm này không nên chứa cồn, retinoids, axit alpha hydroxy,… vì các chất này không chỉ làm khô da mà còn gây nguy cơ kích ứng, viêm nhiễm.
Thay vào đó, bạn nên tìm kiếm các loại sữa rửa mặt chứa các thành phần có công dụng giữ ẩm tốt như Lanolin, Paraffin, Polyethylene glycol, Alkyl-polyglucoside,… để giúp khắc phục da khô hiệu quả.
Ngoài ra, khi rửa mặt, bạn không nên chà sát quá mạnh lên da. Tốt nhất bạn chỉ nên dùng các đầu ngón tay xoa nhẹ nhàng lên mặt để loại bỏ bụi bẩn trên da.
Sử dụng kem dưỡng ẩm
Việc dùng kem dưỡng ẩm trong quá trình chăm sóc da sẽ giúp cải thiện đáng kể vấn đề da mặt bị khô của bạn. Kem dưỡng có tác dụng hạn chế sự mất cân bằng độ ẩm, đồng thời kích thích sản sinh collagen giúp da mịn màng, sáng khỏe.
Bí quyết để chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da khô là kem phải có kết cấu mỏng nhẹ, không chứa cồn, có thành phần là nguyên liệu tự nhiên, không gây kích ứng và có công dụng giữ nước trong da. Ngoài ra, bạn có thể chọn loại kem dưỡng ẩm có bao gồm khả năng chống nắng tốt để bảo vệ da khỏi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời.
Giữ ẩm cho da mặt
Việc tiếp xúc thường xuyên với thời tiết lạnh trong thời gian dài sẽ khiến cho da mặt bị khô. Vì vậy, bạn nên giữ ẩm cho da bằng cách sử dụng khăn che mặt khi ra ngoài. Lưu ý, bạn nên chọn loại vải mềm mại, không gây xước da mặt.
Tẩy tế bào chết cho da
Để tăng cường hiệu quả cho việc dưỡng da khô, bạn không nên bỏ qua bước tẩy tế bào chết. Điều này sẽ loại bỏ bụi bẩn bám trên da và các lỗ chân lông, từ đó giúp làn da hấp thụ các dưỡng chất trong các sản phẩm chăm sóc da một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên thực hiện tẩy tế bào chết 1-2 lần/tuần để tránh việc làn da khô nghiêm trọng hơn.
Sử dụng máy tạo độ ẩm
Vào mùa đông, không khí có nhiệt độ thấp và hanh khô nên độ ẩm cũng suy giảm. Vì thế, bạn nên tăng cường độ ẩm trong nhà hoặc phòng ngủ để giúp da không bị khô. Tuy nhiên, khi sử dụng máy tạo độ ẩm, bạn nên thường xuyên vệ sinh máy sạch sẽ để hạn chế vi khuẩn tích tụ.
Tình trạng da mặt bị khô như thế nào thì cần đến gặp bác sĩ?
Nếu tình trạng da khô của bạn không quá nghiêm trọng thì bạn có thể áp dụng các biện pháp trên để khắc phục. Tuy nhiên, trong những trường hợp nặng, bạn cần đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chữa trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng có thể xảy ra trên làn da của bạn.
Vì vậy, khi phát hiện làn da có những biểu hiện nghiêm trọng sau đây thì bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ ngay:
- Da mặt bị khô trong thời gian dài và ngày càng nặng hơn dù đã sử dụng nhiều biện pháp chăm sóc da.
- Có hiện tượng dị ứng rõ rệt trên da.
- Nghi ngờ da có dấu hiệu bị nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý da liễu như chàm, viêm da tiết bã, vảy nến,…
Hướng dẫn cách ngăn ngừa hiện tượng da mặt bị khô
Nếu bạn lo ngại về tình trạng khô ráp, bong tróc vùng da mặt thì những cách sau đây sẽ giúp phòng ngừa một cách hiệu quả:
- Uống nhiều nước mỗi ngày để cơ thể không bị mất nước cũng như cung cấp đủ độ ẩm cho da.
- Sử dụng sữa rửa mặt có tính chất dịu nhẹ, chứa các thành phần tự nhiên tốt cho da. Bên cạnh đó, bạn không nên rửa mặt quá nhiều vì sẽ làm mất đi chất nhờn tự nhiên có trên da khiến da đen sạm và khô hơn. Do đó, tốt nhất bạn chỉ nên rửa mặt 2 lần/ngày.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, tăng cường thêm các loại thực phẩm chứa vitamin A, C, E và khoáng chất có lợi giúp ngăn ngừa lão hóa da.
- Thoa kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
- Điều chỉnh thói quen chăm sóc da phù hợp với thời tiết và các mùa trong năm.
Việc chăm sóc da mặt bị khô rất đơn giản và có thể thực hiện tại nhà nếu bạn hiểu rõ tình trạng da của mình và duy trì việc dưỡng da trong thời gian dài. Hy vọng với những thông tin mà myBuddy cung cấp, bạn sẽ cải thiện được tình trạng khô ráp và có được làn da khỏe mạnh hơn.
Bài viết liên quan